Dự thảo Luật Giao thông đường bộ đang tiến hành lấy ý kiến người dân để đề xuất việc kiểm soát khí thải đối với xe máy. Theo đó, xe máy sẽ được kiểm tra định kỳ trên toàn quốc. Theo tính toán của Bộ giao thông vận tải, việc kiểm soát khí thải định kỳ giúp người dân tiết kiệm được 25.000 đồng trên một xe mỗi năm. Đồng thời việc này còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Kiểm soát khí thải xe máy định kỳ giúp giảm thiểu chi phí cho người dân
Dự thảo của Luật Giao thông đường bộ nêu rõ: “Xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo lộ trình thực hiện và mức tiêu chuẩn khí thải do Thủ tướng Chính phủ quy định”.
Các cơ quan ban hành tính toán, theo như quy định này mỗi người dân sẽ tiết kiệm được chi phí nhiên liệu khi đi ra ngoài nhờ sử dụng các phương tiện xe máy đạt chuẩn. Mặc dù tốn kém hơn về chi phí bảo dưỡng định kỳ nhưng lại giảm thiểu được tình hình xe hư hỏng. Tuổi thọ của xe máy kéo dài giúp thời gian sử dụng được lâu hơn.
Theo như các tính toán của cơ quan chuyên môn, nếu xe máy được bảo dưỡng định kỳ thì có thể giảm tiêu thụ nhiên liệu tới 7%. Khoản phí này tính ra vẫn có lợi hơn so số tiền bảo dưỡng xe định kỳ. Cụ thể theo tính toán chi tiết thì mỗi xe có thể tiết kiệm được khoảng 25.000 đồng một năm.
Kiểm soát khí thải giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Theo như lý giải của bộ Giao thông vận tải, khí thải phát ra từ xe cơ giới được xem là nguyên nhân chính dẫn tới ô nhiễm môi trường, trong số đó, xe máy được xem là một trong những nguồn phát thải lớn nhất.
Theo thống kê chi tiết đến cuối năm 2021, cả nước ta có đến hơn 68 triệu mô tô. Chỉ tính riêng tại Hà Nội con số này đã lên đến hơn 6 triệu, trong đó có 3 triệu xe máy cũ sản xuất trước năm 2000.
Bộ giao thông vận tải cho rằng việc bổ sung quy định về kiểm soát khí thải đối với các phương tiện cơ giới sẽ làm giảm lượng khí thải phát sinh, giảm thiểu các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tại các thành phố lớn.
Những khó khăn trong việc triển khai kiểm soát khí thải xem máy
Để thực thi vấn đề này, Bộ đã có lộ trình xây dựng cụ thể để kiểm soát khí thải xe máy từ năm 2010. Hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh được giao hoàn thiện mạng lưới cơ sở kiểm định với mục tiêu đến năm 2015 có thể kiểm định được khí thải phát sinh của 80 – 90% xe máy trên cả nước. Đồng thời xây dựng được phương án phạt cho chủ các phương tiện không đạt yêu cầu.
Tuy nhiên từ thời điểm đó tới nay việc kiểm soát khí thải xe máy vẫn chưa được triển khai một cách quyết liệt, trong khi số lượng xe máy tại các thành phố lớn ngày càng gia tăng. Cụ thể vào năm 2022 có đến 3,2 lượng xe máy đăng ký mới, nâng tổng mức các xe được đăng ký lên tới 72 triệu xe.
Việc kiểm soát khí thải xe máy thực sự vẫn là một vấn đề nhạy cảm và khó thực thi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tầng lớp lao động nghèo có thu nhập thấp. Bởi vì đây vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu đáp ứng phần lớn nhu cầu đi lại của người dân. Việc tiến hành áp dụng các quy định mới có thể đào thải các phương tiện cũ vẫn đang tham gia lưu thông hằng ngày, ảnh hưởng đến nhu cầu di chuyển và đi lại của người dân.
Do đó, việc đưa ra các phương thức thực hiện sao cho không tốn kém và gây phiền phức cho người dân là điều đáng lưu ý. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có thêm cơ chế hỗ trợ tài chính hợp lý cho chủ xe bị thu hồi để không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là người dân nghèo. Song song với đó, chính phủ cũng cần có các nhóm giải pháp khác như khuyến khích người dân chuyển đổi sang sử dụng các phương tiện công cộng xanh như: Xe máy điện, xe bus điện, taxi điện, tàu điện,…