Ưu & nhược điểm của các giải pháp khử mùi khói bếp công nghiệp

Ngành công nghiệp chế biến ẩm thực ngày càng phát triển tại các khu đô thị lớn, kèm theo nó là tình trạng ô nhiễm không khí đô thị trở nên nghiêm trọng. Những thách thức mới đặt ra cho các chủ cơ sở chế biến thực phẩm, nhà hàng, quán ăn tại khu đô thị lớn buộc phải tìm kiếm giải pháp xử lý mùi khói bếp trước khi thải ra môi trường. Nguyên nhân hình thành nên thách thức này bởi những hiểu biết con người về ô nhiễm ngày càng nhiều hơn, con người có ý thức hơn & dần có trách nhiệm hơn với môi trường mình sinh sống.

Giải pháp xử lý mùi khói bếp công nghiệp phổ biến nhất hiện nay ?

Hầu hết các mô hình nhà hàng hiện nay ít sử dụng phương pháp xử lý mùi khói bếp, trên thực tế các hệ thống thường là gom mùi khói bếp với chụp hút có tích hợp phin lọc bẫy mỡ, sử dụng bộ lọc, hộp lọc bằng than hoạt tính, bể dập & rửa khí. Vậy giải pháp khử mùi khí thải khói bếp nào đang sử dụng phổ biến nhất hiện nay ?

  • Than hoạt tính Carbon hấp phụ
  • Sử dụng công nghệ khử mùi bằng UV
  • Công nghệ khử mùi khí Ozone

Than hoạt tính hấp phụ khử mùi khói bếp công nghiệp

Mô hình xử lý khói bếp công nghiệp

Than hoạt tính được sử dụng phổ biến nhất trong các giải pháp đưa ra. Ở giải pháp này, màng lọc carbon được sử dụng thu gom, bẫy, hấp phụ hợp chất hữu cơ dễ bay hơi VOCs, mùi, khói bếp công nghiệp.

Ưu điểm than hoạt tính : Khả năng hấp phụ cao, nhanh chóng, hiệu suất >70%, dễ dàng tích hợp vào hệ thống gom khói thải bếp, vận hành đơn giản không tốn năng lượng điện.

Nhược điểm than hoạt tính : Khả năng hấp phụ của than hoạt tính có giới hạn nhất định, khi tới trạng thái bão hòa, than hoạt tính không thể hấp phụ thêm mùi, khói, khí VOCs, khi đó buộc thay màng lọc mới. Thời gian thay thế màng lọc tùy thuộc vào khối lượng khí thải đã xử lý. Thông thường khoảng 3 – 6 tháng phải thay màng 1 lần (khi thấy mùi thoát ra nhiều khỏi hệ thống xử lý khói bếp).

Sử dụng công nghệ UV khử mùi khói bếp

Ánh sáng tia UV từ đèn UV công nghiệp có bước sóng ngắn thường khoảng 100 – 200nm được xử dụng để khử mùi khói bếp. Với bước sóng ngắn, phá hủy phân tử mùi, khí VOCs thành các phân tử cơ bản như CO2, H2O.

Ngoài ra, với bước sóng ngắn tia cực tím, các phân tử oxy bị phân rã thành các nguyên tử Oxy, song song đó là phản ứng kết hợp 1 phân tử oxy và 1 nguyên tử Oxy tạo ra phân tử khí Ozone (O3) tham gia vào quá trình phân hủy mùi, khí VOCs và hợp chất khác.

Tại các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, thì công nghệ UV được kết hợp với màng lọc TiO2 nano. Tia UV cường độ lớn chiếu vào các màng lọc TiO2 được trang bị hạt TiO2 nano hình thành các lỗ trống điện tử, từ đó tạo ra được các gốc tự do hydroxyl (-OH). Khi đó xảy ra các phản ứng oxy hóa tác động lên hơi nước có trong không khí chuyển hóa chúng thành gốc -OH, bên cạnh đó phản ứng khử tác động lên phân tử Oxy để tạo ra gốc -OH tự do. Gốc hydroxyl tham gia vào các phản ứng phân hủy mùi, khí VOCs trong khí thải. Đây là một trong phản ứng Oxy hóa nâng cao thường áp dụng khi sử dụng công nghệ UV xử lý khí thải.

Ưu điểm công nghệ UV : Hiệu quả khử mùi cao lớn hơn 90%, có thể kết hợp với nhiều công nghệ khác để nâng cấp cải thiện khả năng khử mùi như màng lọc TiO2, màng lọc Carbon than hoạt tính giai đoạn cuối.

Nhược điểm công nghệ UV : Đèn UV thường có tuổi thọ không cao, khoảng 6000 – 8000 giờ, thời gian vệ sinh đèn thường xuyên khoảng 14 ngày – 1 tháng một lần. Ngoài ra, để sử dụng UV hiệu quả, khí thải khi qua buồng UV đảm bảo sạch (không có dầu mỡ & hơi nước).

Công nghệ Ozone khử mùi khói bếp công nghiệp

Ozone là công cụ hiệu quả để phân hủy không chỉ mùi bếp mà cả hạt mỡ trong khí thải thành carbon dioxide, nước và một lượng nhỏ bụi.

Ưu điểm công nghệ Ozone : Khả năng khử mùi nhanh chóng, không tốn chi phí nguyên liệu, ít phải bảo trì, tuổi thọ lớn hơn 100.000 giờ. Ngoài ra, Ozone có khả năng giảm lượng dầu mỡ bám trong đường ống.

Nhược điểm : Chi phí ban đầu cao hơn so với các 2 phương pháp trên.